THÔNG BÁO

Từ 1/5/2012 Phiên bản Diễn đàn này đã ngừng đăng ký thành viên mới.

Chúng tôi khuyên bạn nên chuyển sang sử dụng phiên bản mới của diễn đàn Đoàn Khối CCQ tỉnh (FLYO - 2.0.1.2) tại địa chỉ:

http://www.doankhoils.net

Trân trọng sự đóng góp của bạn!!!

BQT

Join the forum, it's quick and easy

THÔNG BÁO

Từ 1/5/2012 Phiên bản Diễn đàn này đã ngừng đăng ký thành viên mới.

Chúng tôi khuyên bạn nên chuyển sang sử dụng phiên bản mới của diễn đàn Đoàn Khối CCQ tỉnh (FLYO - 2.0.1.2) tại địa chỉ:

http://www.doankhoils.net

Trân trọng sự đóng góp của bạn!!!

BQT
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Chào mừng Đại hội Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh, diễn đàn Đoàn khối xây dựng phiên bản mới tại địa chỉ http://www.doankhoils.net. Hiện tại diễn đàn này đã không còn cho phép đăng ký thành viên mới, đề nghị các đ/c chuyển qua "nhà mới" cập nhật thông tin tại đây và cùng đóng góp ý kiến xây dựng phiên bản diễn đàn chính thức của Đoàn Khối. Trân trọng thông báo!

You are not connected. Please login or register

Đi tìm nhân vật M. trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

chidoanbandandung


Thành Viên Mới
Thành Viên Mới

Mình mới đọc được bài viết này, tuy đã đăng lâu rồi nhưng thấy hay, cảm động và ý nghĩa. Post lên để bạn nào chưa có dịp được đọc thì cùng đọc xem.
Kỳ 1: Mối tình cao cả
Nhật ký Đặng Thùy Trâm ra đời làm xôn xao dự luận với nhân vật M. được nhắc nhiều trong nhật ký… Triển lãm “Thông điệp của quá khứ” ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã giải đáp được bí ẩn nhân vật M. qua bài thơ “Thay trả lời một bức thư”. Anh chính là người con trai thứ hai của Nhà thơ lão thành Khương Hữu Dụng - Đại tá Khương Thế Hưng.
Chuyện tình "nén" trong sổ nhỏ
Một hôm chúng tôi đến mời gia đình Nhà thơ Khương Hữu Dụng đến dự triển lãm. Phần trưng bày có giới thiệu một số kỷ vật của Liệt sĩ Khương Thế Xương - người con trai cả của Nhà thơ đã hy sinh anh dũng trong trận đánh đồn Tú Thủy - An Khê năm 1953. Đây là những kỷ vật gia đình trao tặng cho Bảo tàng từ những ngày đầu thành lập, năm 1959.
Chị Khương Băng Kính, con gái Nhà thơ tiếp chúng tôi. Chị đang miệt mài đọc, ghi chép từ các cuốn sổ nhỏ cũ, sờn của người anh trai thứ hai. Nhân câu chuyện, chị đọc cho chúng tôi nghe vài bài thơ, đôi dòng tâm sự, ghi chép từ chiến trường của anh.
Chúng tôi ngỏ ý xin những kỷ vật kia. Chị tần ngần. Sau khi xin ý kiến của các anh chị em trong gia đình, hôm sau chị trao cho chúng tôi bài thơ “Thay trả lời một bức thư”, ký tên Nguyên Mộc.
M. là chữ đầu của chữ Mộc. Nguyên Mộc tức Đỗ Mộc, là bút danh của Khương Thế Hưng ở chiến trường. Trong nhiều bức thư anh viết cho đồng đội, cho Thùy, anh đều ký tên như vậy. Chị đọc bài thơ:
Dòng máu đã đổ ra
Không bao giờ lấy lại
Tình yêu đã trao rồi
Không thuộc về anh nữa
Cả hai đều hiến dâng.
Hiến dâng Tổ quốc dòng máu trẻ trung
Hiến dâng em tình yêu nồng thắm
Không bao giờ anh quên
Lương tâm người cầm súng
Vì niềm vui đất nước
Anh sẵn sàng hy sinh
Vì hạnh phúc của em
Anh chịu phần đau khổ
Riêng mình
Chỉ vậy thôi!
Em ơi!
Đừng nói nữa!
Mà lòng anh đau.
Nguyên Mộc.
Bài thơ viết gửi Thùy năm 1967, sau khi hai người gặp nhau. Trên trang giấy pơluya gập đôi, nửa sau viết nháp còn nửa chép lại, nét chữ cứng cỏi và khoáng đạt. Bài thơ ẩn chứa một tâm sự sâu xa của anh mà không phải ai cũng hiểu hết, kể cả Thùy.
Câu chuyện tình yêu của họ nén chặt trong những cuốn sổ nhỏ. Một người lính ở phía bên kia lấy được cuốn nhật ký của người con gái sau khi chị hy sinh.
Cảm động trước tình yêu và lẽ sống của người nữ Việt cộng qua những dòng chữ như có lửa trong cuốn nhật ký, thay vì đốt đi, người lính đó đã giữ lại đưa về Mỹ để rồi sau gần 40 năm mới có dịp công bố.
Còn nửa kia của người con trai, anh chôn chặt những suy nghĩ của mình tận đáy lòng, mang theo về cõi vĩnh hằng mà khi sống anh không một lần thổ lộ cùng ai, nếu như cô em gái của anh không lật lại những trang anh viết.
"Anh chỉ biết đánh Mỹ"
Năm 1966, Thùy tốt nghiệp Đại học Y khoa, xung phong vào chiến trường Quảng Ngãi, nơi anh đang chiến đấu. Trong trái tim của cô bác sĩ miền Bắc đã khắc đậm hình bóng người chiến sĩ Giải phóng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Anh tài hoa, có thể nói toàn diện về mọi mặt. Anh viết văn, làm thơ, chơi đàn, có giọng hát rất tình cảm, thổi sáo hay và chơi các môn thể thao, thứ gì anh cũng giỏi.
Chính vì lẽ đó, theo tiếng gọi của Tổ quốc, của tình yêu, Thùy đã vào chiến trường tìm anh sau 5 năm xa cách trong chờ đợi và hy vọng. Song Thùy không hiểu được sự im lặng của anh. Thùy đã nghĩ hay là anh đã có người yêu khác, hay là…? Bao nhiêu câu hỏi đặt ra mà không có câu trả lời cho Thùy.
Sau khi được Tỉnh đội Quảng Ngãi cho phép, anh đến thăm Thùy lúc ấy đang ở cách xa anh một buổi đường rừng trong một căn nhà nhỏ. Anh vẫn thế, nhẹ nhàng và sâu sắc. Một khoảng cách thật ngắn ngủi, hai người nhìn nhau mà không bước tới nổi, không ai lên tiếng, không biết gọi nhau là gì.
Rồi anh lên tiếng trước: “… Anh sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của riêng mình để Thùy tìm một hạnh phúc đảm bảo hơn, trọn vẹn hơn…”. Anh nghĩ rằng mình còn phải chiến đấu cho đến khi miền Nam được giải phóng và rất có thể anh sẽ không trở về sau cuộc chiến này…
Đi suốt cả dặm đường dài hàng nghìn km, mặc dù chưa hề hứa hẹn gì với nhau thật rõ ràng, nhưng Thùy vẫn hy vọng, chờ đợi để đón nhận những gì khác hơn thế… Anh nhìn vào xa xăm với những suy nghĩ bất tận về cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt.
Còn Thùy, lặng yên không khóc mà khe khẽ hát bài "Xa khơi", bài hát cô từng hát cho anh nghe ở Hà Nội thủa nào. Đọc nhật ký của Đặng Thùy Trâm khi viết về M. mỗi chúng ta đều cảm thấy tình yêu, nỗi buồn thương day dứt và trách giận, không phải không có lý. Chị đã thổ lộ những suy nghĩ thầm kín của mình với những người thân.
Một lần út lớn, em gái của Khương Thế Hưng nhận thư Thùy từ miền Nam gửi ra. Trong thư Thùy viết có phần trách móc: “Anh Ba khác xưa nhiều lắm, anh chỉ còn biết chiến đấu, biết cây súng mà thôi!”. Trong một lá thư, viết ngày 15 tháng 2 năm 1968, gửi cho bạn là Dương Đức Niệm, Thùy viết về M: “Anh bây giờ sống thật đơn giản, anh không mơ gì hơn là diệt được thật nhiều giặc Mỹ, anh không cần gì cho bản thân, kể cả tình yêu và sự nghiệp".
Đối với Thùy, anh thương với tình thương rất đỗi chân thành, anh tôn trọng và cảm phục trước tình yêu thủy chung của Thùy, nhưng chỉ có thế thôi. Con tim anh không còn những rung cảm sâu xa, những vần thơ thắm đượm tình yêu, những lời ca bay bổng ước mơ nữa rồi”.
Và còn một vấn đề mà Thùy luôn nhắc đến là mối quan hệ họ hàng xa giữa hai gia đình họ Khương, họ Doãn. Mối quan hệ, cách xưng hô được xem như một trở ngại đối với tình yêu của hai người.
Còn anh, anh cũng là con người bằng xương bằng thịt mà lại là người lính, anh có những suy nghĩ riêng. Suy nghĩ của anh chỉ có cha, em út lớn và đồng đội thân thiết của anh là hiểu được phần nào.
Bài thơ của người cha và…
Cha anh rất hiểu điều anh nghĩ và ông đã viết trong bài thơ “Một mối tình”:
Anh trở về trong kia
Em ở lại...
Ta cố quên nhau đi
là hơn...
Không phải anh muốn thế
Những người đi chiến đấu
Không muốn nặng thêm khẩu súng
Một mối tình quá xa
Và nhất là
Nỗi ân hận quá nhiều
Bắt một người yêu
phải đợi...
Vì sao anh lựa chọn sự im lặng?
Trong một lá thư gửi cho em gái, anh viết:
“… Anh đã hành quân qua hàng ngàn thôn xóm cháy rụi, những cánh đồng khô héo vì chất độc… Anh đã từng lặng người trước 70 bà con Hành Đức bị thuốc độc Mỹ làm chết trong hầm, thân thể bầm tím… Anh đã nhìn tận mắt chị phụ nữ Gành Cả bị giặc Pắc Chung Hi hiếp, ruột chị dao găm giặc rọc từ dưới lên trên, cổ chị bị giặc vác cối đá chần lên, lưỡi chị phải thè ra ngoài!
Tay anh đã từng cầm chuỗi cườm của em bé, mảng da đầu dính tóc của người con gái, mảnh xương sọ của bà mẹ - những người trong số 394 người bị giặc Pắc Chung Hi tàn sát trong một giờ vào một sớm mưa lạnh ngày Đông 1966 ở Bình Hòa… Anh đã từng chứng kiến những vụ vây ráp bắt thanh niên ta đi làm bia đỡ đạn cho chúng, chúng đã giành giật trong tay những bà mẹ những người chị, những đứa con thân yêu, những người em hiền hậu… một cách vô cùng man rợ!
“Nhưng đối với đồng bào Quảng Ngãi ta, mỗi tội ác của giặc Mỹ và tay sai gây ra chỉ có tác dụng như đổ thêm dầu vào ngọn lửa căm thù, chỉ có tác dụng làm cho quân và dân Quảng Ngãi ta thêm quyết tâm, thêm sức mạnh chiến đấu vì độc lập tự do, vì hòa bình, hòa hợp dân tộc”.
Tháng 7 năm 1965, trong một bức thư gửi cho đồng chí Thanh Tuyền - Đoàn phó Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Ngãi anh viết: “Người lính có cần nghĩ đến số phận và hạnh phúc của mình không?... Cuộc sống dạy cho mỗi người có một suy nghĩ không giống nhau. Mình biết yêu, hiểu nó cả hai mặt lý trí và tình cảm. Mình biết trung thành với nó nhưng mình đặt nó vào chỗ đứng đúng nhất trong cuộc sống của mình. Vì vậy, mà cô gái miền Bắc không hề bị ràng buộc nào về những lời hẹn ước. Mình không nghĩ mình sẽ sống đến ngày được hưởng hạnh phúc. Chỉ có 20 ngày mà đã trải qua 8 trận chiến đấu, có trận nẩy lửa, sắt thép dội lên đầu, mỗi trận đều có người ngã xuống…”.
Khi quyết định trở lại miền Nam, ước mơ lớn nhất của anh là chiến đấu. Anh nguyện hiến dâng cả cuộc đời, tình yêu cao đẹp của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khi nào Nam Bắc sum họp một nhà, anh mới có câu trả lời cho riêng mình.
Anh rất cảm phục trước tình yêu chung thủy của Thùy nhưng trái tim anh đau đớn khi thấy miền Nam đau thương quá, khi quê hương tiếng cười trào ra máu đỏ, khi đồng đội của anh từng ngày, từng giờ đã và đang ngã xuống để giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Anh sao đành lòng nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình. Cuộc ra đi của anh không hẹn ngày gặp lại, rất có thể một ngày nào đó anh cũng ngã xuống như đồng đội của mình. Điều quan trọng hơn anh nghĩ cô bác sĩ như Thùy phải có được một hạnh phúc trọn vẹn.
Lý do để anh im lặng trước một mối tình mãnh liệt, say đắm và đầy lòng tự trọng của cô bác sĩ miền Bắc chính là như vậy.
Sâu thẳm trong suy nghĩ của mình, anh vẫn không thể quên được người con gái đó. Anh đã viết trong cuốn sổ nhỏ của mình “Thùy ơi! sẽ không có người con gái nào giống Thùy đâu, trong cuộc sống và trong trái tim mình”.
Một chiếc bật lửa thu được của lính Mỹ, anh cũng khắc tên hai người. Năm năm xa miền Bắc, xa Thùy, không một trận chiến đấu lớn, nhỏ nào, trước giờ nổ súng anh không nghĩ đến chị. Hôm đánh vào dinh Tỉnh đường ngụy ở Quảng Ngãi, Tết Mậu Thân 1968, khi anh cho nổ quả bộc phá 10 kg để cắt 9 lớp rào gai của địch cũng vậy. Bộc phá nổ tung, cả người anh bị hất tung lên không trung, đầu óc anh bay bổng, quần áo rách bươm, trong cơn mơ màng anh bỗng nghe thấy tiếng hát của Thùy “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi…”.
Tiếng hát như tiếng sóng vỗ êm đềm bất tận đưa anh về với những kỷ niệm đẹp đẽ thủa nào…
Trong cuốn sổ ghi chép anh đã viết khi biết tin Thuỳ hy sinh: “Em dịu dàng là vậy, chưa biết nói nặng ai câu nào. Em dũng cảm là vậy. Giặc đốt hầm bí mật vẫn bình tĩnh cứu chữa thương binh. Cuỡi hon đa phóng qua trước rào lính địch để cấp cứu ca thương binh nặng. B-52 trên đầu. Quân đánh bộ bên cạnh vẫn bình tĩnh băng bó thương binh, dìu đi khỏi vòng vây.
Bà con thương yêu đùm bọc em. Các mẹ gọi em là Con gái. Các em gọi em là Chị. Cánh lính trẻ gọi em là Sao Vệ nữ. Các nhà thơ gọi em là người của làng thơ họ. Các nhà văn cãi lại bảo em là người của họ gửi nhờ Sê Khốp dạy nuôi. Vậy mà em ngã xuống. Và em cũng không nhận ra anh!…
Em chết đi biến thành ngọn gió lượn trên đầu anh. Trên đời anh. Thành tiếng gọi…trước anh để đi tới… Anh đã nghĩ, đó là tình yêu của người lính!

Kỳ 2: Có một người trọn vẹn từng đi qua thế gian...


Quê hương Khương Thế Hưng ở làng Minh Hương, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Anh sinh ngày 18-9-1934. Năm 1950, chưa đầy 16 tuổi, đang học bậc trung học ở trường Lê Khiết-Quảng Ngãi, anh tình nguyện nhập ngũ.
Anh được bổ sung vào Trung đoàn 812, tham gia chiến đấu ở chiến trường Cực Nam Trung Bộ, vùng Bình Thuận. Nơi anh chiến đấu là một miền đất xa xôi, ác liệt và gian nan đến mức một giọt nước ngọt cũng phải đổi bằng máu với quân thù.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, anh tập kết ra Bắc trong đội hình Sư đoàn 305. Với sự thông minh, ham học, cộng với những năng khiếu bẩm sinh, anh được chọn đi học đại học… Cửa trường đại học là niềm mơ ước của anh và bao người lúc đó. Nhưng anh lại chọn con đường đi chiến đấu. Anh cho rằng không có trường đại học nào lớn hơn trường đại học thực tế và anh đã tự nguyện vào "Trường Đại học trong đời" không mở lại hai lần.
Anh trở lại chiến trường miền Nam trong đoàn quân đi B đầu năm 1962. Có thể nói, đó là những đoàn quân trở về miền Nam chiến đấu sớm nhất. Ở chiến trường, anh như một chiến sĩ toàn năng, anh làm bất cứ công việc gì cách mạng đòi hỏi và đã làm thật xuất sắc.
Nhiệm vụ mới đòi hỏi, tháng 6 năm 1964, anh được giao nhiệm vụ thành lập Đoàn Văn công Quân Giải phóng Quảng Ngãi. Cuộc sống chiến đấu chính là mảnh đất màu mỡ cho những cảm hứng sáng tác của anh khi tâm hồn chứa đầy chất thơ chất nhạc.
Những bản nhạc hùng tráng, trữ tình của anh sáng tác đã một thời động viên bộ đội Khu 5 chiến đấu, thôi thúc thanh niên lên đường nhập ngũ. Những tác phẩm ấy mang đậm bản sắc và dấu ấn của riêng của anh với khát vọng tìm tòi cái mới trong âm nhạc dân tộc và vũ điệu dân gian.
Điệu múa Chàm Rông do anh sáng tác là một trong những tác phẩm đặc sắc của nền ca múa nhạc Việt Nam, đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. (Năm 2006, những diễn viên đầu tiên của Đoàn Văn công Quân Giải phóng Quảng Ngãi do chính anh tuyển chọn ngày xưa, đã tập hợp các bài hát, nhạc múa anh sáng tác, thu vào đĩa CD tặng gia đình, trong đó có những bài hát “Tình bạn chiến đấu”, “Khúc quân hành” và bản nhạc múa “Chàm Rông”…)
Năm 1965, anh trở về Tỉnh đội, làm phái viên chiến trường tại các đơn vị chủ lực, đặc công…, trực tiếp tham gia chiến đấu, về những vùng địch kiểm soát vận động nhân dân phá “ấp chiến lược”, giành dân…
Năm 1968, anh là Chính trị viên Tiểu đoàn 48 lừng danh. Gần 10 năm ở chiến trường, anh đã tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu hàng trăm trận, góp phần lập nên nhiều chiến công to lớn. Tiểu đoàn 48 của anh hai lần nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng.

Nhà văn - Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung đã viết về anh: “Nhân dân Đức Phổ, Sơn Tịnh, Bình Sơn, đồng bào Thị xã Quảng Ngãi… tất cả những nơi Khương Thế Hưng đã đến và đã để lại ở đó hình ảnh một Bộ đội Cụ Hồ xông xáo, thương dân, quyết liệt với kẻ thù. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 48, nơi Hưng làm Chính trị viên tiểu đoàn, không bao giờ quên hình ảnh của Hưng dũng cảm tiến về phía trước trong những ngày trụ bám quyết liệt ở vùng Đông…”.

Năm 1970, anh bị thương nặng phải đưa ra miền Bắc cứu chữa. Sau một thời gian điều trị, anh được phân công về làm phóng viên Báo Quân đội Nhân dân. Anh là một phóng viên năng nổ với những bài viết sắc sảo thu hút người đọc. Rồi anh tham gia trong Phái đoàn Quân sự bốn bên, tham gia đợt trao trả tù binh chiến tranh ở Lộc Ninh năm 1973…

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, đất nước thống nhất, anh được phân về Ban Ký sự Lịch sử - Tổng cục Chính trị. Với vốn kiến thức phong phú, sâu sắc về chiến tranh, anh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong các công trình nghiên cứu tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

“Con người trọn vẹn đi qua thế gian”


Năm 1992, với nhiều vết thương trong mình, sức khỏe anh yếu dần, anh được Nhà nước cho nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Do thương tật và di chứng chiến tranh, sức khỏe ngày càng suy kiệt, anh mất ngày 13 tháng 11 năm 1999.

Trước khi mất vài tháng, anh có viết thư cho anh Trinh, bạn chiến đấu của anh ở Quảng Ngãi: “Vẫn thường biết tin anh. Dù chiến tranh xa lắm rồi, anh vẫn được những người lính chiến đấu thực sự như chúng tôi coi anh như một người anh hùng thật sự trong tâm tưởng nhân dân và đồng đội Quảng Ngãi (cả những người còn sống và những người đã ngã xuống). Phần tôi, 10 năm nay đau ốm luôn. Nhất là 3 năm trở lại đây, năm ngoái tưởng không qua nổi. Gốc là chất độc da cam, đến lúc không đủ sức chống chọi nó mặc sức hoành hành. Vả lại 5 lần bị thương của gần 100 trận đánh trong chiến tranh còn gì!”.

Bạn bè, đồng đội của anh nhận xét: Khương Thế Hưng không chỉ là một chiến sĩ, nghệ sĩ đa tài mà trong anh còn có phẩm chất cao quý hơn, đó là đức tính khiêm nhường, sẵn sàng hy sinh, nhường nhịn, một tâm hồn trong sáng vô tư hết lòng vì mọi người nhưng lại suốt đời không lo một chút gì cho riêng mình.

Anh bị thương nhiều lần, trên người anh đầy những vết thương chiến tranh ác nghiệt, lại bị chất độc màu da cam của quân Mỹ tấn công, tàn phá nhưng anh không làm thủ tục cấp thẻ thương binh. Mọi người đều lo ngại khi nhìn anh lên cơn đau. Anh ôm ngực, đầu - một mảng đầu của anh mềm nhũn. Những lúc đó anh gồng mình chịu đựng, anh vật lộn với cái chết thường trực đe dọa mà không muốn những người thân của mình phải lo lắng nhiều…

Tại lễ tiễn đưa anh hôm 15 tháng 11 năm 1999, Nhà văn Nguyên Ngọc đọc bài điếu, ai đã nghe đều xúc động: “Tất cả chúng ta, bao lâu nay từng sống với một con người cao đẹp như vậy, tài năng, đức độ nhưng luôn lẩn khuất giấu mình, và có lẽ chúng ta đã không thật sự biết rõ, thấu hiểu… Tất cả chúng tôi, bạn bè, đồng chí, đồng đội, người thân của anh muốn nói với anh: Anh đã sống một cuộc đời xứng đáng. Đã có một con người trọn vẹn từng đi qua thế gian này, con người đó là Khương Thế Hưng của chúng tôi, con trai Nhà thơ Khương Hữu Dụng…”.

Liệt sĩ Khương Thế Xương và Đại tá Khương Thế Hưng là hai người con, hai người chiến sĩ ưu tú, hai tâm hồn cao đẹp, hai quả chín đẹp nhất mà Nhà thơ Khương Hữu Dụng đã hiến dâng cho Tổ quốc. Câu chuyện cuộc đời anh và bài thơ được chúng tôi đưa ra phần nào lý giải cho nỗi day dứt, trách giận của người con gái anh yêu.

(Nguồn: VTC)

Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết