THÔNG BÁO

Từ 1/5/2012 Phiên bản Diễn đàn này đã ngừng đăng ký thành viên mới.

Chúng tôi khuyên bạn nên chuyển sang sử dụng phiên bản mới của diễn đàn Đoàn Khối CCQ tỉnh (FLYO - 2.0.1.2) tại địa chỉ:

http://www.doankhoils.net

Trân trọng sự đóng góp của bạn!!!

BQT

Join the forum, it's quick and easy

THÔNG BÁO

Từ 1/5/2012 Phiên bản Diễn đàn này đã ngừng đăng ký thành viên mới.

Chúng tôi khuyên bạn nên chuyển sang sử dụng phiên bản mới của diễn đàn Đoàn Khối CCQ tỉnh (FLYO - 2.0.1.2) tại địa chỉ:

http://www.doankhoils.net

Trân trọng sự đóng góp của bạn!!!

BQT
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Chào mừng Đại hội Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh, diễn đàn Đoàn khối xây dựng phiên bản mới tại địa chỉ http://www.doankhoils.net. Hiện tại diễn đàn này đã không còn cho phép đăng ký thành viên mới, đề nghị các đ/c chuyển qua "nhà mới" cập nhật thông tin tại đây và cùng đóng góp ý kiến xây dựng phiên bản diễn đàn chính thức của Đoàn Khối. Trân trọng thông báo!

You are not connected. Please login or register

khám phá một vùng quê xứ Lạng

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1khám phá một vùng quê xứ Lạng Empty khám phá một vùng quê xứ Lạng Thu Feb 24, 2011 8:47 pm

Thanhhuyenbaols

Thanhhuyenbaols
Thành Viên Tích Cực
Thành Viên Tích Cực

NƠI VĂN MINH ĐẾN MUỘN
Bút ký: Thanh Huyền

Trở lại Nà Xỏm vào một ngày đầu xuân mới, thấp thoáng bên những con đường đất đồi quanh co, uốn lượn là những sắc đào tươi thắm. Con "ngựa sắt" dã chiến của tôi ì ạch men qua các cung đường để lên với bà con đồng bào người Dao đang sinh sống ở trên những triền núi cao. Hơn một tiếng đồng hồ ròng rã, thấp thoáng những ngôi nhà sàn của người Tày ở chân núi lác đác hiện ra như động viên tôi hăm hở đi tiếp. Từ dịp nghỉ hè tôi vào đây, ngót nghét cũng đã già nửa năm, cảnh vật trên những con đường này vẫn không hề thay đổi. Vẫn là những cung đường ngoằn nghoèo men theo các sườn đồi, độ rộng của nó chỉ đủ để 2 chiếc xe máy ngược chiều có thể tránh nhau. Con đường đất hun hút một bên là cây rừng và một bên là vực thẳm. Càng lên cao thì vực thẳm ấy lại càng đáng sợ biết bao. Tôi tưởng tượng và cảm giác đến gai người khi không may gặp sự cố và rơi tõm xuống dưới. Đường chưa được mở rộng, không có hành lang an toàn bảo vệ khiến cho nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông ở nơi đây luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào...Thế nhưng, như vậy cũng đã là tiến bộ, đổi thay lắm rồi, bởi theo nhiều người dân ở nơi đây cho biết thì từ đời các cụ, các ông, các bà muốn ra chợ toàn phải đi bộ men theo các sườn đồi, ra được đến chợ Na Dương phải mất vài ngày. Nhà nào khá giả hơn nuôi được con ngựa thì đi chợ bằng ngựa, thồ hàng bằng ngựa nhanh hơn một chút, nhưng ngày đó có tiền mua được con ngựa về nuôi là cả khát khao cháy bỏng của đồng bào Dao Nà Xỏm...Chính vì vậy mới có chuyện nhiều người ước mơ được một lần đi ra chợ và nếu ai may mắn thực hiện được ước mơ ấy thì đã được coi là "văn minh" lắm rồi. Bởi vì lúc về họ sẽ mang theo nhiều thứ mới lạ và những câu chuyện họ kể về nơi "phố thị" thì ngay cả người già cũng chăm chú lắng nghe chứ chưa nói gì đến trẻ con...Cuộc sống khó khăn, sản xuất lạc hậu và việc cách xa trung tâm dường như vô tình biến Nà Xỏm thành một góc khuất nơi vùng ba của xã Lợi Bác. Đang mải miên man với những suy tư thì nhà anh trưởng thôn Dương Trung Hình đã hiện ra trước mắt.

(gia đình anh trưởng thôn Dương Trung Hình, ảnh: Thanh Huyền)
Một ngôi nhà trình tường ba gian kiên cố, quét vôi trắng, khoảng sân xi măng rộng rãi trước cửa nhà đang hong thóc mới... Đã quá giờ trưa, cái mùi ngai ngái của lúa mới, thơm nức của nếp non khiến cho cảm giác đói bụng đến thật nhanh. Từ nhà anh Dương Trung Hình nhìn xung quanh có thể bao quát được một phần thôn Nà Xỏm. Mới trò chuyện được 2 tuần trà thì dưới dốc nhà anh đã rôm rả tiếng nói cười.

(thế hệ thanh niên Nà Xỏm hôm nay, ảnh: Thanh Huyền)
Trẻ con có, nam thanh nữ tú cũng có và nhiều nhất là những người trung tuổi. Biết nhà anh Dương Trung Hình có nhà báo vào chơi nên mọi người lên để hỏi thăm. Đó cũng là một nét đẹp của đồng bào Dao nơi đây, bởi vì mỗi nhà cách nhau một, hai quả đồi, cũng không dễ gì có thể biết tin hoặc báo tin cho nhau được, vậy mà khi biết có khách đến chơi mọi người đều rất vui mừng, phấn khởi như được tiếp đón chính người nhà của mình vậy. Hỏi chuyện anh Trưởng thôn và nhiều người già ở nơi đây, chẳng ai nhớ được đồng bào người Dao mình đã di cư tới mảnh đất này từ bao giờ. Nhiều người già chỉ nghe ông bà kể lại rằng, trước đây cả thôn chỉ có vài nóc nhà, mà gọi là lều thì đúng hơn vì chỉ toàn làm bằng cỏ gianh, quây vào để che mưa, che nắng. Để sinh sống và tồn tại, người dân nơi đây đã biết sử dụng sức lao động của mình trồng lúa nương, lên núi hái lá rừng, đào củ rừng để cải thiện cuộc sống. Nhà nào có một chút tiền thì mua được con gà, con vịt về nuôi. Cuộc sống ngày này qua ngày khác, cái đói vẫn bám riết lấy các hộ gia đình nơi đây. Người Dao Nà Xỏm lại nghĩ cách phải tăng vụ trồng lúa, trồng ngô để có của ăn, của để, đảm bảo "an ninh lương thực" cho gia đình mình trong năm. Nghĩ là làm, mọi người cùng chung sức chung lòng cải tạo những thung lũng nhỏ toàn cỏ dại thành những thửa ruộng canh tác màu mỡ. Dần dần người Dao đã từ bỏ cây lúa nương để trồng cây lúa nước và tận dụng nguồn nước dồi dào từ trong các khe núi, đồng bào tự nạo vét các tuyến mương đưa nước về đồng ruộng, phục vụ cho sản xuất lúa các vụ cũng như dẫn nước nguồn về phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

(nước sạch về bản, ảnh: Thanh Huyền)
Được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền xã về khoa học kỹ thuật, cộng với sự chủ động, ham học hỏi, đồng bào đã làm chủ được kỹ thuật canh tác mới, trên đồng ruộng các giống lúa ngô mới, cho năng suất cao đã đến với bà con. Ngoài trồng ngô và lúa nước, nhân dân còn biết thâm canh, tăng vụ với các loại cây trồng ngắn ngày như khoai tây, rau, đậu. Nhiều gia đình đã phát triển nuôi trâu, nuôi bò, nuôi lợn, vừa dùng làm sức kéo vừa để sinh sản góp phần tăng thu nhập cải thiện kinh tế gia đình.


(Đồng bào Dao Nà Xỏm nuôi lợn phát triển kinh tế gia đình,
ảnh: Thanh Huyền)
Anh Đặng Hữu Hiển, cán bộ Đoàn thôn Nà Xỏm mới hai mươi ba tuổi nhưng đã mạnh dạn cùng gia đình đầu tư nuôi hơn ba mươi con bò hay gia đình anh Dương Trung Hinh cũng đã và đang nuôi trên hai mươi con trâu và một số bò, lợn, gà khác...Hiện nay, nhờ chăm chỉ, chịu khó và biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nên đại bộ phận các hộ gia đình đồng bào dân tộc Dao nơi đây đã có đời sống no đủ hơn, khấm khá hơn. Nhiều gia đình trong thôn cho biết mặc dù làm một vụ lúa xuân - hè, gieo cấy vào tháng tư âm lịch hàng năm nhưng nếu được mùa là cũng đủ thóc ăn cả năm, thậm chí dư thừa mang đi bán. Giờ đây toàn thôn chỉ còn 9/35 hộ nghèo, chiếm 25,7%, đây là tỷ lệ thấp so với nhiều thôn bản khác trên địa bàn xã, đánh dấu cho một sự chuyển biến hiệu quả và tích cực đối với nỗ lực hướng đến văn minh của đồng bào Dao thôn Nà Xỏm.
Những "văn minh" trong sản xuất nông nghiệp đã thực sự giúp bà con từng bước thoát nghèo, tuy nhiên ở nơi này, không chỉ trẻ em mà thậm chí cả thanh niên, người già đều khát khao được học chữ, nói tiếng phổ thông. Theo trưởng thôn Dương Trung Hình thì trước đây người có "học vị" cao nhất trong thôn mới chỉ hết lớp ba và quan niệm của các cụ đối với cái "sự học" của con em vẫn là "trọng nam khinh nữ". Rất ít hoặc không có trẻ em gái nào được tới trường học bởi vì các em còn phải học may, dệt, làm quần áo, làm các công việc nhà cũng như phụ giúp gia đình lo cày cấy, nuôi trồng cũng như học thu vén gia đình.

(Truyền nghề thêu áo cho con, ảnh: Thanh Huyền)
Nhưng được sự tuyên truyền của các cấp, các ngành, sự vận động của các giáo viên phân trường, rất nhiều gia đình đã ủng hộ chủ trương đưa trẻ đến trường học đúng độ tuổi. Năm 2003, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, Nà Xỏm đã có phân trường Tiểu học. Cả thôn coi đây là một sự kiện lớn, nhà nhà bảo nhau đưa con em đi học với khao khát rồi cái chữ sẽ mang đến tương lai tươi sáng cho lũ trẻ ở vùng khó này. Trong năm học 2007-2008, phân trường Tiểu học thôn Nà Xỏm có 4 lớp học với 37 học sinh, trong đó có 19 em học sinh nữ, chiếm trên 50%. Năm 2007, nhiều niềm vui liên tiếp đến với Nà Xỏm, đầu tiên là phân trường Mầm non Nà Xỏm được xây dựng, sau đó là con đường 135 Nà Mu - Nà Xỏm đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Tuy số trẻ đến với trường Mầm Non còn ít, mới chỉ có 9 cháu ở các độ tuổi ba, bốn, năm tuổi nhưng đã cho thấy những cố gắng của cấp uỷ, chính quyền và đồng bào nơi đây. Hiện nay, thôn Nà Xỏm vẫn còn khoảng 70% đồng bào Dao chưa "phổ cập" được tiếng phổ thông và vẫn giao tiếp bằng tiếng dân tộc, chưa nghe, nói sõi tiếng Kinh. Điều này cũng là hạn chế và gây nhiều trở ngại trong việc cập nhật thông tin và giao tiếp với thế giới rộng lớn bên ngoài bởi vì số lượng thanh niên nơi đây chiếm trên 40% số dân. Có vẻ như đồng bào Dao Nà Xỏm rất cần có một chiến dịch phổ cập văn hoá để đồng bào, nhất là trẻ em và thanh thiếu niên được tiếp cận với văn minh giáo dục...
Ở Nà Xỏm này, mặc dù văn minh có đến muộn nhưng đồng bào người Dao rất hiếu khách. Lên với bà con, tôi đã được ăn gạo mới, lắng nghe bà con nói chuyện làm kinh tế mới, xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư... khiến tôi thực sự ấn tượng bởi những chuyển biến trong nhận thức của họ. Bát canh rau nóng hổi và chén r­ượu cay nồng khiến không khí ở nhà anh tr­ưởng thôn vui vẻ rộn ràng như­ ngày Tết. Anh tr­ưởng thôn cho biết, Tết đến với đồng bào ng­ười Dao thường đến sớm hơn các dân tộc khác. Đối với đồng bào dân tộc Dao thôn Nà Xỏm thì cái Tết rục rịch từ giữa tháng mười hai âm lịch của năm cũ. Mọi nhà sắm sửa và ăn Tết cũng rất khác nhau. Nhà khá giả thì mua sắm, ăn uống từ cuối tháng m­ười hai âm lịch của năm cũ đổ về đến hết tháng giêng của năm mới. Tết ăn không "to" như­ người tày, ng­ười Kinh nh­ưng lại đầm ấm không khí cộng đồng. Do sinh sống mỗi nhà một quả đồi nên có ngày tổ chức Tết ở nhà người này thì bữa sau lại tổ chức ở nhà ng­ười khác. Năm nào nuôi được nhiều lợn thì mấy nhà anh em trong họ cùng góp thịt chung một con để ăn Tết. Rau xanh thì đồng bào tự trồng được nhiều, đi chợ Tết thì cũng chỉ mua những thức ăn t­ươi cần thiết thôi. Vui nhất là phụ nữ, trẻ em ng­ười Dao. Họ tự may quần áo mới và diện vào dịp Tết và ai cũng muốn mình sẽ thật xinh và nổi bật trong những ngày hội xuân.

(Diện đồ mới du xuân, ảnh: Thanh Huyền)
Nói về chuyện xây dựng đời sống văn hoá mới, anh trưởng thôn hồ hởi khoe: Hàng năm, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Mặt trận tổ quốc xã, chúng tôi đều triển khai cuộc vận động "toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" đến bốn xóm Nà Líu, Nà Xỏm, Nà Mào, Mảy Phấy trong thôn. Nhìn chung các hộ gia đình đều hưởng ứng thực hiện và gắn với các điều của quy ước, hương ước thôn bản. Năm 2007, toàn thôn có 15/35 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, chiếm 42,86%, đây là tỷ lệ khá cao so với các năm trước đây. Trong đó có một số gia đình tiêu biểu nhiều năm liền đều đạt gia đình văn hoá như gia đình anh Triệu Tiến Quang, Đặng Văn Quân và nhà trưởng thôn Dương Trung Hình...Vậy là văn minh ở nơi đây không chỉ còn là niềm mơ ước được ra đến chợ nữa. Hiện nay, với nhu cầu tìm hiểu văn hoá, theo dõi, cập nhật các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng bào Dao Nà Xỏm đã biết sáng tạo trong sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ động cơ diesel họ cải tiến thành máy xay xát, máy mài, máy cày...Mặc dù chưa có đường điện nhưng ở Nà Xỏm đã có gần chục hộ gia đình mua sắm được ti vi để xem, rất nhiều hộ có đài radio để nghe và hầu hết các hộ trong thôn đều lắp đặt điện thoại để bàn không dây, có xe máy để đi lại. Chỉ cho tôi xem những tấm pin mặt trời lấp loá sau nhà, anh Triệu Tiến Quang cho biết: Trong thôn, hầu như nhà nào cũng có, chúng tôi đi mua tận dưới Bắc Giang về, nhà này học nhà kia cách lắp đặt và sử dụng. Để sạc pin cho điện thoại, họ biết sáng tạo, mua luôn cả bộ chuyển dòng từ một chiều thành xoay chiều. Biết thông tin, năm nay Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư làm nốt con đường đến trung tâm thôn, người dân ai cũng mừng, không còn thiếu ăn, họ bàn nhau giúp đỡ những người còn lại trong thôn thoát nghèo và vươn lên làm giàu...

(vợ chồng anh Dương Trung Hình trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, ảnh: Thanh Huyền)
Hiện nay, còn rất nhiều khó khăn để đồng bào Dao Nà Xỏm có thể tiến kịp miền xuôi, bằng một nửa "phố thị" nhưng cuộc sống của họ đã phần nào bớt đi cái khắc nghiệt, từ những đôi bàn tay cần cù ấy, nhiều loại nông sản đã được đưa đến chợ để giao thương buôn bán. Cái thời người ta ước mơ chỉ mong được ra đến chợ để đem chút "văn minh" lượm lặt được mang về kể cho mọi người đã dần trôi vào quá khứ vì giờ đây, mảnh đất được xem là nơi văn minh đến muộn này đã và đang từng ngày đổi mới.
Trước khi chia tay ra về, cả nhà anh trưởng thôn diện những bộ quần áo dân tộc Dao rất đẹp và sặc sỡ rồi nhờ "chị nhà báo" chụp cho mấy kiểu ảnh lưu niệm. Tiếng xe máy từ từ chạy xa dần xuống dưới chân đồi rồi mà tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng anh trưởng thôn tan trong gió: tới này lại mời chị nhà báo về nà xỏm chơi và rửa mấy cái ảnh cho gia đình chúng tôi nhé!
Thanh Huyền



Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết